Cùng với sự bùng nổ của cách mạng công nghệ 4.0, nhiều chuyên gia dự báo đây có thể sẽ là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam bứt phá trong thị trường du lịch trực tuyến, vốn được dự báo lên đến 9 tỷ USD vào năm 2025.
Báo cáo của Nielsen gần đây cho biết doanh số du lịch trực tuyến toàn cầu năm 2016 là 565 tỷ USD, tăng 13,8%. Trong đó, đóng góp chủ yếu đến từ thị tường châu Á – Thái Bình Dương và châu Mỹ Latinh.
Nielsen cũng đồng thời dự báo châu Á – Thái Bình Dương sẽ trở thành hiện tượng khi “soán ngôi” Bắc Mỹ, lần đầu tiên trở thành thị trường du lịch trực tuyến lớn nhất thế giới, nguyên nhân là sự tăng trưởng hết sức mạnh mẽ từ thị trường Đông Nam Á.
Quy mô thị trường du lịch trực tuyến tại Đông Nam Á sẽ tăng trưởng gấp 4 lần, theo thu thập của Google phối hợp với Temasek Holdings (Singapore) thực hiện vào năm 2016, chạm mức 90 tỷ USD vào năm 2025. Đáng chú ý, Việt Nam chiếm khoảng 10% doanh số này, tương đương với 9 tỷ USD.
Còn ở thời điểm hiện tại, số liệu của Hiệp hội điện tử thương mại Việt Nam (VECOM) cho biết riêng quy mô của việc đặt vé online đã rơi vào khoảng 3 tỷ USD, việc đặt phòng, đặt tour ước đạt gần 1 tỷ USD. Như vậy, tính chung hai mảng cho thấy quy mô thị trường du lịch trực tuyến vào khoảng 4 tỷ USD.
“Thị trường du lịch trực tuyến của Việt Nam là một mỏ vàng, chắc chắn”, ông Đỗ Hữu Hưng, CEO Interspace nói với Trí Thức Trẻ bên lề họp báo chuẩn bị cho sự kiện Vietnam Online Marketing Forum sắp diễn trong tháng 8. Tuy nhiên, ông cảm thán: “Chuyện ai cũng thấy nhưng để biến mỏ vàng thành hiện thực là điều không dễ”.
Để khai thác tiềm năng du lịch trực tuyến, các doanh nghiệp phải có sự đầu tư bài bản, không làm chộp giật, và các doanh nghiệp Việt chưa thực sự làm được điều này. Nguyên nhân doanh nghiệp Việt có nguồn lực yếu hơn.
“Thị trường đặt vé tour/phòng hiện rơi vào tay các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoặc là của doanh nghiệp nước ngoài. Ví dụ Agoda hiện đang độc chiếm từ 40 – 50% thị trường tại Việt Nam”, ông Hưng cho biết.
CEO Interspace cũng nói thêm để phát triển du lịch trực tuyến, doanh nghiệp cần phải có sự kết hợp chặt chẽ với hệ thống khách sạn và dịch vụ đi kèm. Bởi chỉ có như vậy mới đảm bảo khách hàng được sử dụng dịch vụ một cách liền mạch, có sự tin tưởng lâu dài.
“Đầu tư bài bản và kết hợp chặt chẽ thành vòng là hai điều quan trọng nếu như doanh nghiệp muốn tham gia vào mỏ vàng dự báo 9 tỷ USD này”, ông Hưng nhấn mạnh.
Không đặt quá nặng việc doanh nghiệp du lịch trực tuyến phải ngay lập tức đầu tư vào nền tảng di động, ông Hưng cho rằng nền tảng di động có thể vượt nền tảng máy tính về lượng tiếp cận quảng cáo nhưng ở nút click mua hàng thì chưa.
Bởi lẽ ở những gói du lịch có giá trị cao, người tiêu dùng sẽ ưu tiên sử dụng máy tính để tiện từ việc đọc so sánh giá đến nhập các thông tin về tài khoản.
“Việc phát triển là do mỗi doanh nghiệp lựa chọn, nếu chưa có điều kiện thì chỉ cần làm tốt trên nền tảng máy tính rồi chuyển dịch dần sang di động cũng không muộn. Cũng có doanh nghiệp phát triển thẳng trên di động, đấy là tuỳ theo chiến lược.
Nền tảng di động theo tôi rất quan trọng và tiềm năng nhưng ở thời điểm hiện tại nó mới chiếm khoảng 20 – 30% tổng lượng giao dịch, trên máy tính vẫn cao hơn. Nếu nguyên tắc đầu tư thì vào cái có lợi hơn”, ông nói.
Bên cạnh đó, CEO Interspace nhấn mạnh rằng du lịch thời 4.0 này đồng thời là cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp vốn bất lợi về vốn, quy mô. Bởi môi trường Internet đòi hỏi và cho phép sự sáng tạo vượt lên.
Lấy dẫn chứng là Uber, Grab, ông Hưng nói rằng ban đầu họ cũng là những startup nhỏ nhưng với mô hình, giải pháp đúng, họ đã tạo được sự thay đổi lớn. Mặt khác, trên thị trường có nhiều nhà đầu tư sẵn sàng đổ vốn miễn là giải pháp có sáng tạo đột phá không.
Du lịch trực tuyến theo nhận định của ông Đỗ Hữu Hưng là lĩnh vực mở cho mọi người, dù rằng doanh nghiệp nhỏ không có nhiều lợi thế như doanh nghiệp lớn nhưng không phải là không có cửa. Do đó, nếu doanh nghiệp Việt nắm bắt được, đây sẽ là thời cơ tốt để tham gia vào thị trường quy mô 9 tỷ USD năm 2025.